27/11/2020 11:06

Startup nên outsourcing hay in-house nền tảng công nghệ?

Startup nên outsourcing hay in-house nền tảng công nghệ?
Thật khó để startup quyết định chọn in-house hay thuê outsourcing để xây dựng nền tảng công nghệ. Còn nhà đầu tư, họ nghĩ gì?

Nhiều startup lo ngại việc phải chia sẻ ý tưởng của mình, lo ngại vấn đề bảo mật, vì thế chọn in-house. Trong khi đó, không ít startup lại chọn outsourcing vì họ yêu thích việc ra sản phẩm nhanh, tiết kiệm chi phí.

Hoặc vô vàn lý do khác.

Ưu & nhược điểm của In-house

In-house là việc startup tự xây dựng đội ngũ kỹ thuật của riêng mình, tự lập trình nền tảng công nghệ.

Startup nên outsourcing hay in-house nền tảng công nghệ 2

Ưu điểm của In-house

Tạo cảm giác an tâm hơn trong việc kiểm soát toàn bộ: Thật tuyệt vời khi mỗi buổi sáng đến công ty, bạn trông thấy đội ngũ dev (lập trình viên) của mình hừng hực khí thế làm việc. Cuối buổi chiều, họ vẫn còn ngồi đó, chăm chỉ coding. Bạn có mặt trong toàn bộ quá trình xây dựng sản phẩm, được báo cáo hàng ngày, nắm rõ mọi chi tiết nhỏ nhất. Nếu bạn là mẫu người yêu thích công việc quản lý nội bộ, team in-house là sự lựa chọn hoàn hảo.

Trao đổi trực tiếp: Mọi người thảo luận face-to-face với nhau, tổ chức họp hành, lấy feedback, approval,... vào bất cứ thời gian nào họ cần.

Linh hoạt: Startup vốn dĩ hay thay đổi. Với team in-house, bạn có thể thay đổi spec, thay đổi requirement, hay fix bug bất cứ lúc nào. Dĩ nhiên, bạn phải “chiến đấu” với CTO, PM, và cả đội ngũ dev khi đưa ra những sự thay đổi đột ngột như thế. Bạn phải có đủ lý lẽ để thuyết phục họ.

Xây dựng văn hóa công ty: Toàn bộ công ty cùng hướng về mục tiêu chung, cùng xây dựng a-dream-team và a-dream-product, cùng xây dựng văn hóa công ty. Tinh thần đó, văn hóa đó sẽ được truyền tải vào sản phẩm.

Gắn bó lâu dài: Nhân sự in-house nên được sử dụng cho những dự án dài hơi, đặc biệt là các startup công nghệ. Họ là những người đồng đội sẽ dốc công, dốc sức, am hiểu sản phẩm và đưa ra những góp ý cải tiến sản phẩm phù hợp với “con đường triệu đô” của công ty. Tuy vậy, sự cạnh tranh chiêu mộ nhân tài trong giới startup ngày càng khốc liệt. Khi các vị trí senior rời đi, bạn phải sẵn sàng các phương án để lộ trình phát triển sản phẩm không bị ảnh hưởng.

Tinh thần yêu sản phẩm và customer-centric: Đây là một điểm quan trọng mà chúng tôi đánh giá rất cao cho việc nên xây dựng team in-house. Đó là hệ quả của hai yếu tố bên trên: team dev in-house hiểu văn hóa công ty, am hiểu sản phẩm của công ty và gắn bó lâu dài với công ty. Họ yêu chính “đứa con” của mình, đặt tâm trí vào sản phẩm, tập trung vào UI/UX, làm mọi cách, nghĩ mọi solution để làm sao sản phẩm của startup được user (người dùng) đón nhận, đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Với team outsourcing, quyền lợi của các nhân sự dev không gắn liền nhiều với thành công của sản phẩm, vì thế họ không xây sản phẩm theo tư duy customer-centric; họ chỉ có trách nhiệm làm ra sản phẩm được “khách hàng” (ở đây là các co-founder của startup) yêu thích và chấp nhận, chứ không phải là user.

Nhược điểm của In-house

Chi phí cao hơn: Mặt bằng lương IT ở Việt Nam ngày càng tăng cao, kèm theo đó là các phúc lợi cũng phải đủ hấp dẫn và đầy cạnh tranh. Một đội ngũ dev bao gồm nhiều vị trí chuyên môn khác nhau như PM, Designer, Backend dev, Frontend dev, Android dev, iOS dev, QC,... Không phải lúc nào tất cả các vị trí đều có thể chạy song song. Đôi lúc, bạn phải chi trả lương cho những khoảng “thời gian chết” khi dev đã hoàn thành công việc của mình mà chưa có task mới, chẳng hạn như: team mobile đang chờ team backend code xong API, team frontend chờ thiết kế từ team designer, còn designer thì chờ yêu cầu từ PM, v.v... 

Đau đầu với việc tuyển dụng: Thật quá khó để xây một đội ngũ tech trong những ngày đầu, nếu một trong các co-founder không có background công nghệ và network trong ngành. Kể cả khi bạn có một CTO thật xịn sò, mọi việc cũng chỉ mới bắt đầu: Làm thế nào để thuyết phục các tài năng khác chịu đầu quân cho một startup non trẻ?

Tốn nhiều thời gian: Việc tuyển dụng, đào tạo phải lặp đi lặp lại quanh năm gây ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ xây dựng sản phẩm. Nếu không thể sớm ra mắt sản phẩm và liên tục cập nhật các tính năng, bạn có chậm chân hơn so với đối thủ cạnh tranh của mình?

Phải đầu tư vào việc trau dồi chuyên môn kỹ thuật: Công nghệ thay đổi nhanh chóng, đòi hỏi đội ngũ in-house phải học ngôn ngữ lập trình mới, cập nhật công nghệ mới. Một vấn đề khác là startup luôn phải kiêm nhiệm, đòi hỏi dev phải hướng đến full-stack. Ví dụ: Một senior backend dev có khi phải đảm nhiệm phần việc của frontend dev, bạn senior backend dev này phải tìm hiểu từ đầu để bắt tay vào làm công việc của frontend dev. Ở vai trò frontend, bạn backend này lại chỉ là junior. Hiệu suất làm việc không cao, nhưng chi phí lương vẫn là lương của senior.

Trễ deadline: Nghe có vẻ vô lý, nhưng trên thực tế thì, không ít startup phải hoãn việc ra mắt sản phẩm nhiều lần, loay hoay giữa những vấn đề nội bộ và các co-founder không có được câu trả lời chắc chắn cho việc liệu khi nào có thể launch sản phẩm. Điều này ảnh hưởng vô cùng nghiêm trọng đến kế hoạch kinh doanh, khả năng gọi vốn và rút ngắn runway của startup. Với đội outsourcing, bạn có thể bắt buộc họ phải theo đúng tiến độ của dự án. Bạn có commitment (sự cam kết) rõ ràng từ công ty outsourcing, họ phải OT (làm tăng ca), phải tuyển thêm người để giải quyết được mọi vấn đề kỹ thuật phức tạp và quyết liệt bàn giao dự án đúng thời hạn, như những gì đã ký kết trên hợp đồng. Nhưng với đội outsourcing, vì các co-founder của các startup Việt Nam thường có tính cách rất nice, không ít lần “du di” cho các đồng đội của mình: “Chức năng này xong thì tốt, không xong cũng được, anh em vất vả nhiều, cuối tuần rồi, anh em nghỉ ngơi nhé, tuần sau làm tiếp.” Thế là, không có OT, không có áp lực, và… không có hồi kết!

Ưu & nhược điểm của Outsourcing

Outsourcing chỉ việc thuê một bên thứ ba lo phần công nghệ cho startup của bạn. Nên thuê freelancer hay thuê công ty outsourcing cũng là một vấn đề rất thú vị, mà chúng ta sẽ cùng tìm hiểu ở một bài viết khác. Trong bài này, chúng tôi đề cập đến việc bạn thuê một công ty outsourcing để đảm bảo sự thành công của dự án.

Startup nên outsourcing hay in-house nền tảng công nghệ 3

Ưu điểm của Outsourcing

Tiết kiệm chi phí: Một loạt các chi phí mà startup của bạn có thể loại bỏ đi như:

  • Chi phí tuyển dụng: Phải mất trung bình 2 tháng để tuyển được một nhân sự in-house phù hợp, từ việc đăng tin, phỏng vấn, thỏa thuận việc làm, gửi offer mời thử việc, orientation và training trong 1-2 tháng đầu. Chẳng may khi hết hợp đồng thử việc, bạn nhận ra ứng viên này không phù hợp, không thể ký hợp đồng chính thức, có nghĩa là phải quay lại quá trình phỏng vấn từ đầu, hoặc buộc phải thỏa hiệp và chấp nhận nhân sự này. Dĩ nhiên, bạn cũng tốn chi phí cho 1 nhân sự HR để làm những công việc vừa kể này nữa.
  • Chi phí đào tạo và các phúc lợi khác: Với team outsourcing, chi phí phát triển nền tảng công nghệ không bao gồm quá trình đào tạo nhân sự. Startup của bạn có ngay những lập trình viên giỏi, dày dạn kinh nghiệm, coding được ngay lập tức. Bạn cũng không phải đóng bảo hiểm xã hội, tổ chức team building hay year-end party.
  • Chi phí vận hành: tiền thuê văn phòng, mua sắm cở sở vật chất, thiết bị, v.v...
  • Thời gian mà bạn phải bỏ ra cho đội ngũ dev in-house.

Thời gian ra mắt sản phẩm nhanh hơn: Có thể khởi chạy dự án ngay với đầy đủ ban bệ, không mất thời gian tuyển dụng và đào tạo. Thời gian bàn giao sản phẩm cam kết rõ ràng trong hợp đồng.

Sở hữu đội ngũ năng lực cao & chuyên môn đa dạng: Điều quan trọng là bạn cần một đội ngũ giàu kinh nghiệm, đã chinh chiến nhiều dự án, giải quyết được mọi vấn đề kỹ thuật. Một công ty outsourcing chuyên nghiệp với đầy đủ ban bệ cho mọi công đoạn của dự án là sự lựa chọn lý tưởng.

Quy trình chuẩn và trang thiết bị đa dạng: Chỉ tính riêng Android, đã có hàng ngàn dòng thiết bị khác nhau, làm sao ứng dụng của bạn có thể tương thích với tất cả mọi thiết bị? Các Tester (người kiểm thử sản phẩm) của công ty outsourcing được trang trị thiết bị đa dạng, và với kinh nghiệm lâu năm trong việc kiểm thử vô số dự án, họ biết rõ cần làm gì cho ứng dụng của bạn. Ngoài ra, sự phối hợp ăn ý và quy trình chuyên nghiệp đảm bảo sản phẩm ra mắt với chất lượng cao nhất.

Tính linh hoạt trong tăng giảm nhân sự: Thời buổi covid-19, thị trường luôn biến động và gây ra những sự đứt đoạn đột ngột. Nhu cầu thị trường đối với sản phẩm mà startup bạn đang cung ứng có thể hôm nay tăng, ngày mai giảm; dẫn đến việc cắt giảm nhân sự, hay tuyển dụng trở lại là một phần trong sự thành công (hay sống còn) của startup. Ngay cả trong thời đại không có covid-19, bạn cũng không thể tuyển 1 lập trình viên và rồi “say goodbye” sau khi ra mắt bản MVP. Với team in-house, quá trình cắt giảm nhân sự cùng những thủ tục rườm rà ít nhiều ảnh hưởng đến văn hóa và danh tiếng của công ty. Với team outsourcing, mọi thứ linh hoạt hơn: Có khi bạn cần thuê cả một đội ngũ, có khi chỉ cần thuê 1-2 người, hay sau khi ra mắt sản phẩm thì chỉ cần làm việc với 1 kỹ sư maintenance bảo trì sản phẩm mà thôi.

Tập trung nguồn lực vào các hoạt động cốt lõi khác: Vì sao bạn phải dành phần đa thời gian cho những vấn đề về kỹ thuật, trong khi chuyên môn của các co-founder là vận hành, marketing, tài chính,...? Hãy an tâm giao phần công nghệ cho một công ty outsourcing uy tín và am hiểu sâu về startup, họ biết rất rõ bạn muốn gì, và cần làm gì cho sản phẩm của bạn. Còn bạn, có thể toàn tâm dành thời gian, tâm trí và nguồn lực của mình để tập trung vào các hoạt đông kinh doanh cốt lõi, bứt phá doanh thu và kêu gọi đầu tư.

Suy nghĩ thấu đáo hơn trong những quyết định về sản phẩm

Như đã đề cập bên trên, khi sử dụng team in-house, các co-founder thường có xu hướng “sáng nắng, chiều mưa”, thay đổi xoành xoạch các chức năng và requirement. Không ra mắt được sản phẩm đúng hạn, nguyên nhân có thể không vì năng lực của team dev, mà có thể đến từ bạn, những co-founder đầy quyền lực trong chính startup của mình. Những quyết định vội vàng không thể áp dụng được với outsourcing, vì mỗi sự thay đổi có thể phải bị tính phí “change request”, tạo ra một rào cản nhất định, khiến bạn phải suy nghĩ nghiêm túc hơn, thận trọng hơn, chăm chút hơn cho sản phẩm của mình.

Nhược điểm của Outsourcing

Khó kiểm soát chất lượng dịch vụ: Đây là vấn đề thường gặp nếu startup của bạn thuê freelancer, hoặc những công ty năng lực kém, còn ít kinh nghiệm (nhưng thích nhất là báo giá siêu rẻ!).

Giao tiếp: Vì không thể giao tiếp face-to-face hàng ngày với nhau, bạn có thể gặp một số khó khăn nhất định trong việc tổ chức họp hành, trao đổi ý kiến, gây ra một số hiểu lầm không đáng có, hay không được cập nhật tiến độ dự án.

Tại Tech Apollo, chúng tôi xây dựng một quy trình chặt chẽ nhằm đảm bảo dự án được bàn giao đúng thời hạn và ngân sách. Chúng tôi tin rằng việc giữ thông tin liên lạc thường xuyên là chìa khóa thành công của toàn bộ quy trình, vì thế hàng tuần đều cung cấp bản cập nhật mới nhất cho khách hàng.

Rủi ro bảo mật: Bạn có thể cảm thấy không thoải mái chút nào, khi phải chia sẻ tất tần tật về ý tưởng của mình. Liệu công ty outsourcing sẽ đánh cắp ý tưởng của bạn và ra mắt một sản phẩm y hệt? Bạn nên chọn công ty uy tín và cần ký NDA (thỏa thuận bảo mật thông tin) với họ.

Quan điểm kinh doanh khác nhau: Đối tác công nghệ của bạn có thể có những quan điểm kinh doanh và cách tổ chức công việc khác bạn. Đa phần nặng tư duy kỹ thuật (tech mindset), khá cứng nhắc, thiếu tư duy kinh doanh (business mindset).

Nhìn ở hướng tích cực, đôi khi họ cũng cho bạn những góc nhìn thú vị của những-ông-thuần-kỹ-thuật, giúp bạn khai phá những giải pháp mới, nghĩ ra những sáng kiến hữu ích.

Nhà đầu tư nghĩ gì về in-house và outsourcing?

Nhà đầu tư thích startup có team dev in-house

Nếu tech product là giá trị cốt lõi của công ty, bạn cần xây team in-house. Tuy nhiên, cũng có không ít startup chọn outsourcing trong giai đoạn đầu (giai đoạn MVP) để đảm bảo sản phẩm nhanh chóng ra mắt, sớm nhận phản hồi của người dùng, song song đó tiến hành tuyển dụng để xây dựng team in-house cho bước kế tiếp.

Nhà đầu tư đặc biệt quan tâm hơn đến khả năng sống sót và tăng trưởng của startup

Điều gì xảy ra nếu bạn sở hữu một đội dev cực cool ngầu, profile kinh nghiệm đầy mình, xây sản phẩm hoành tráng, nhưng cạn kiệt tài chính và không thể đưa sản phẩm ra thị trường, đạt được những traction ấn tượng để chinh phục các quỹ đầu tư?

Hãy dành ngân sách nuôi team dev đó cho một đối tác outsourcing uy tín, còn bạn, dành toàn tâm vào công việc hoạch định tài chính, đẩy mạnh sales & marketing.

Tất cả mọi sai lầm đều có thể sửa chữa, nếu startup còn sống sót. Vấn đề là, bạn có đủ nguồn lực tài chính để có thể duy trì đội ngũ dev in-house càng lâu càng tốt, cho đến khi gọi được vốn hay không? Đặc biệt, khi covid-19 ập đến, việc nuôi team dev in-house thực sự là một gánh nặng quá lớn. Kể cả việc cắt giảm cũng mang đến nhiều tổn hại tài chính. Vì thế, outsourcing là phương án lý tưởng trong thời đại covid-19.

Cách quyết định chọn outsourcing hay in-house

Tham khảo thêm hai góc nhìn thú vị của anh Đào Quang Thuận - CEO startup BedLinker và anh Đặng Vĩnh Phúc – CEO startup Edumall về in-house và outsourcing trên chương trình Quốc Gia Khởi Nghiệp của VTV1: https://youtu.be/V0O8appf7QY

Nên chọn in-house hay outsourcing? Không có câu trả lời đúng hay sai, nó tùy thuộc vào việc bạn đánh giá lại nguồn lực nội tại và chọn phương án phù hợp nhất cho startup của mình:

  1. Đội ngũ co-founder của bạn có kinh nghiệm xây dựng sản phẩm công nghệ chưa?
  2. Nền tảng công nghệ có phải là yếu tố quyết định sự thành bại?
  3. Bạn có cần ra mắt sản phẩm sớm không? Bạn sẽ kịp xây dựng đội ngũ dev in-house?
  4. Web app / Mobile app của bạn có cần phải được thường xuyên cập nhật không?

Nếu cần tư vấn thêm về outsourcing nền tảng công nghệ cho startup của bạn, bạn có thể liên hệ Tech Apollo qua email [email protected] hoặc gửi yêu cầu tại đây.

Tech Apollo là công ty chuyên tư vấn giải pháp công nghệ và gia công phần mềm chất lượng cao cho startup với 20 năm kinh nghiệm. Là nhà sáng lập của các startup công nghệ trong nhiều lĩnh vực, đội ngũ quản trị có nhiều kinh nghiệm xây dựng và vận hành startup, chúng tôi thực sự hiểu được những khó khăn của bạn.

By TechApollo