22/05/2024 13:20

15 bí quyết cho nhà sáng lập không rành công nghệ

15 bí quyết cho nhà sáng lập không rành công nghệ

Trong Top 100 CEO làm việc hiệu quả nhất thế giới theo thống kê của Harvard Business Review năm 2018, có đến 34% CEO có bằng kỹ sư.

Trong một nghiên cứu về trình độ đại học của các CEO S&P 500 năm 2011, 33% bằng đại học của các CEO là về kỹ thuật và chỉ 11% là quản trị kinh doanh.

Những gã khổng lồ như Apple, Google, Microsoft, IBM…

Có phải chỉ những gã am tường công nghệ mới có thể xây dựng startup thành công?

Không.

Đó là chuyện của hơn 30 năm về trước.

Năm 2007, Brian Chesky và Joe Gebbia - đều học thiết kế công nghiệp - đã nảy sinh ra ý tưởng cho thuê không gian trống trong căn hộ của họ. Năm 2008, họ đã hợp tác với Nathan Blecharczyk - một kỹ sư phần mềm và là bạn của Gebbia - gia nhập nhóm sáng lập với vai trò là CTO, giúp xây dựng nền tảng kỹ thuật của Airbnb.

Adi Tatarko và Alon Cohen là cặp vợ chồng sáng lập Houzz với nền tảng không phải từ kỹ thuật. Tatarko là nhà thiết kế nội thất và Cohen làm việc trong lĩnh vực kinh doanh. Họ đã chiêu mộ các kỹ sư và chuyên gia công nghệ để xây dựng và phát triển nền tảng Houzz thành một cộng đồng trực tuyến lớn mạnh cho thiết kế nội thất và cải tạo nhà.

Groupon được ra mắt năm 2008 bởi Andrew Mason - người có bằng cấp về âm nhạc. Chỉ trong vòng vài năm, công ty đã trở thành một hiện tượng toàn cầu trong lĩnh vực mua sắm theo nhóm, và đã IPO.

Khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ là một thách thức lớn, đặc biệt là đối với những nhà sáng lập không có nền tảng kỹ thuật. Tuy nhiên, nhiều nhà sáng lập đã chứng minh rằng với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và chiến lược phù hợp, thành công vẫn có thể đạt được. Dưới đây là các bước cụ thể:

1. Học các khái niệm cơ bản về công nghệ

Không cần học lập trình chuyên sâu, chỉ cần nắm vững các khái niệm cơ bản (chẳng hạn như API là gì, cách phần mềm được phát triển, v.v…) để giúp bạn giao tiếp hiệu quả hơn với đội ngũ kỹ thuật và đưa ra các quyết định sáng suốt. Hiểu biết sâu sắc về cách sản phẩm hoạt động sẽ tạo ra sự tự tin trong việc lãnh đạo và điều hành startup.

Kiến thức về công nghệ giúp bạn tạo được sự tin tưởng từ đội ngũ kỹ thuật. Họ sẽ cảm thấy được lãnh đạo bởi một người hiểu rõ những thách thức và cơ hội trong công việc của họ, từ đó tạo động lực làm việc và cống hiến hơn.

Ngoài ra, khi nhà đầu tư thấy rằng nhà sáng lập hiểu rõ về lĩnh vực mình đang kinh doanh, họ sẽ cảm thấy yên tâm hơn khi ra quyết định đầu tư.

Bạn nên:

  • Tham gia khóa học trực tuyến: Các khóa học về phát triển phần mềm, cơ sở dữ liệu, API, UI/UX trên các nền tảng như Coursera, Udemy.
  • Đọc sách: Sách như "The Lean Startup" của Eric Ries và "Zero to One" của Peter Thiel cung cấp cái nhìn sâu sắc về khởi nghiệp và các khía cạnh kỹ thuật cần thiết.

2. Tự tạo ra một thứ gì đó không cần dùng công nghệ trước

Bạn hoàn toàn có thể tự mình tạo ra phiên bản thô đầu tiên mà không cần kiến thức chuyên sâu về công nghệ, bằng cách sử dụng các công cụ low-code hoặc no-code. Với giao diện trực quan, đơn giản, và dễ sử dụng, những công cụ này sẽ giúp bạn hiện thực hóa ý tưởng, nhanh chóng xây dựng phiên bản thử nghiệm để trình bày với đồng sáng lập, khách hàng, và nhà đầu tư tiềm năng.

Ví dụ, nếu bạn có ý tưởng về một ứng dụng web, hãy bắt đầu với các công cụ kéo và thả trên nền tảng như WordPress hoặc Squarespace. Bạn cũng có thể sử dụng các công cụ như Photoshop, Canva, Figma hoặc Sketch để tạo mockup hay wireframe, giúp hình dung và thiết kế giao diện người dùng một cách chi tiết mà không cần lập trình. Những công cụ này không chỉ tiết kiệm thời gian và chi phí mà còn giúp bạn dễ dàng thay đổi và thử nghiệm các ý tưởng mới mà không cần phụ thuộc vào đội ngũ phát triển chuyên nghiệp.

Phương pháp này tạo cơ hội bình đẳng cho các nhà sáng lập không có nền tảng kỹ thuật. Nếu bạn có thể chứng minh ý tưởng của mình chỉ với một trang đích (landing page) hoặc thậm chí là Google Sheets, hãy làm điều đó. Hãy sáng tạo với mọi cách bạn có thể để thể hiện cách bạn dự định giải quyết các vấn đề cho thị trường mục tiêu.

3. Tìm một đối tác công nghệ đáng tin cậy

Lý tưởng nhất là tìm một người đồng sáng lập giữ vai trò CTO.

Một chuyên gia công nghệ sẽ đảm đương toàn bộ phần kỹ thuật, đảm bảo rằng sản phẩm được phát triển đúng cách. Bạn có thể tìm CTO qua các sự kiện khởi nghiệp, LinkedIn hoặc các nền tảng kết nối như CoFoundersLab, founder2be, hay Cộng đồng Launch trên Facebook. Hoặc nhờ mentor, các chuyên gia trong ngành, hoặc các startup founder khác giới thiệu.

Lưu ý nên tìm CTO có mindset làm sản phẩm cho startup, và có hiểu biết về kinh doanh càng tuyệt vời. Hãy chắc chắn rằng người bạn chọn phù hợp với mục tiêu dài hạn. Chọn đối tác có đam mê và tầm nhìn tương đồng sẽ mang lại lợi ích lâu dài cho startup.

Còn nếu bạn chưa thể tìm được co-founder giữ vai trò CTO?

Hãy thuê một công ty chuyên phát triển sản phẩm cho startup. Họ rất am hiểu những lợi ích và hạn chế của từng công nghệ, sẽ giúp bạn đánh giá và lựa chọn các giải pháp kỹ thuật phù hợp nhất, tránh các quyết định sai lầm gây tốn kém hoặc làm chậm tiến độ.

Cần chọn những công ty có thể giao tiếp thường xuyên, và tối thiểu hàng tuần họ phải có gì đó cập nhật cho bạn. Hãy chọn những công ty làm việc theo mô hình Agile, Scrum.

Hãy đầu tư nghiêm túc thời gian vào việc tìm đối tác công nghệ đáng tin cậy. Nếu không, một kịch bản thường thấy là các nhà sáng lập sẽ tạo ra một sản phẩm với chi phí rẻ nhưng không thể mở rộng, khó cập nhật và không thể bảo trì. Những rủi ro tiềm ẩn của việc thuê nhầm đối tác phát triển sản phẩm lớn hơn nhiều so với những gì bạn có thể tưởng tượng.

4. Xác định và ưu tiên tính năng sản phẩm MVP

Xây dựng sản phẩm khả dụng tối thiểu (MVP - Minimum Viable Product) là cách tiếp cận hiệu quả để kiểm tra ý tưởng của bạn với chi phí thấp nhất. Hãy nói chuyện với CTO hoặc công ty outsourcing để làm rõ những mong muốn của bạn, từ đó xác định những tính năng cốt lõi.

Hãy tập trung vào các tính năng chính giải quyết vấn đề của khách hàng. Sử dụng phương pháp MoSCoW (Must have, Should have, Could have, Won't have) để ưu tiên tính năng.

Ví dụ thực tế: Dropbox bắt đầu chỉ với tính năng đồng bộ hóa tệp tin đơn giản, sau đó mở rộng dần các tính năng khác khi nhận được phản hồi tích cực từ người dùng.

5. Thiết lập lộ trình kỹ thuật

Thiết lập một lộ trình kỹ thuật (technical roadmap) rõ ràng là yếu tố quan trọng để đảm bảo rằng sản phẩm phát triển đúng hướng và đạt được các mục tiêu đề ra. Lộ trình này bao gồm các giai đoạn phát triển sản phẩm, từ ý tưởng đến triển khai, và các mốc thời gian quan trọng.

Nó cũng xác định các công nghệ và công cụ sẽ được sử dụng, giúp đội ngũ kỹ thuật và toàn bộ công ty có cái nhìn tổng thể về quá trình phát triển. Lộ trình kỹ thuật cung cấp một kế hoạch chi tiết, giúp tránh sai sót và lãng phí tài nguyên, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi và đánh giá tiến độ.

Là những nhà sáng lập startup, đội ngũ Tech Apollo có thể giúp bạn đánh giá mức độ khả thi của dự án, hỗ trợ tư vấn xác định MVP sẽ cần (và chỉ cần) bao gồm những gì, đưa ra quy trình và roadmap phát triển sản phẩm rõ ràng cho từng giai đoạn.

6. Sử dụng dịch vụ đám mây

Những nhà sáng lập không có nền tảng kỹ thuật cần các giải pháp đám mây (cloud) đơn giản và hiệu quả về chi phí để xây dựng và lưu trữ ứng dụng và trang web của mình. Cloud giúp bạn không phải đầu tư ban đầu nhiều cho phần cứng và hạ tầng. Bạn chỉ phải trả cho những gì bạn sử dụng, mà còn dễ dàng mở rộng quy mô khi cần thiết.

DigitalOcean cung cấp máy chủ ảo, cơ sở dữ liệu quản lý, lưu trữ, và các sản phẩm Platform as a Service được thiết kế khá đơn giản. Amazon Web Services là một lựa chọn tối ưu khác với độ bảo mật rất cao, nhưng giá cả cao hơn DigitalOcean 

Cloudways cung cấp dịch vụ lưu trữ được quản lý đáng tin cậy cho các ứng dụng phổ biến như WordPress, Magento, Laravel, và PHP.

Các nhà cung cấp dịch vụ cloud này đảm bảo hệ thống của bạn luôn hoạt động ổn định và an toàn. Họ cung cấp các giái pháp bảo mật tiên tiến và dịch vụ hỗ trợ 24/7, giúp bạn yên tâm tập trung vào việc phát triển sản phẩm và kinh doanh.

7. Học các kỹ năng kinh doanh

Bù đắp cho sự thiếu hụt kỹ thuật bằng cách phát triển các kỹ năng kinh doanh cần thiết như marketing, tài chính và quản lý. Đọc sách, tham gia các buổi hội thảo và workshop về khởi nghiệp, quản lý, và tiếp thị để không ngừng nâng cao kiến thức và kỹ năng. Tận dụng các nguồn tài nguyên trực tuyến như Coursera, Udemy hay Khan Academy để học thêm về những lĩnh vực mà bạn còn thiếu sót. Điều này không chỉ giúp bạn quản lý startup tốt hơn mà còn tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp.

Ví dụ: Bạn có thể tham gia khóa học "Financial Management for Startups" trên Coursera để nắm vững các kỹ năng tài chính quan trọng. Tham gia các hội thảo như Techfest (sự kiện công nghệ lớn nhất Việt Nam diễn ra hàng năm), TechCrunch Disrupt (nước ngoài) để học hỏi kinh nghiệm từ các chuyên gia và nhà sáng lập thành công khác. Sử dụng các sách như "Lean Startup" của Eric Ries để hiểu rõ hơn về cách triển khai các chiến lược khởi nghiệp linh hoạt và hiệu quả.

8. Xây dựng mạng lưới quan hệ

Tham gia các sự kiện khởi nghiệp và hội thảo để mở rộng mạng lưới của bạn với các startup founder khác, các nhà đầu tư, các đối tác và khách hàng tiềm năng.

Tham gia các cộng đồng trực tuyến như LinkedIn, AngelList và các nhóm Facebook liên quan đến khởi nghiệp. Nếu bạn có nhiều thời gian, có thể chủ động tham gia vào các diễn đàn thảo luận và chia sẻ kiến thức. Tổ chức hoặc tham gia các buổi gặp gỡ nhỏ để kết nối sâu hơn với các cá nhân trong ngành.

Hãy tìm kiếm các chương trình accelerator hoặc incubator như Y Combinator, 500 Startups hoặc Techstars, nơi bạn có thể nhận được sự hỗ trợ từ các cố vấn giàu kinh nghiệm và kết nối với các nhà đầu tư tiềm năng.

Sử dụng các nền tảng như Meetup để tìm và tham gia các sự kiện liên quan đến ngành của bạn. Đừng ngại tiếp cận và đặt câu hỏi cho những người có kinh nghiệm, vì họ có thể cung cấp những lời khuyên quý báu và mở ra những cơ hội hợp tác mới.

9. Bán hàng từ sớm

Ngay cả khi sản phẩm của bạn chưa hoàn thiện, hãy bắt đầu bán hàng để thu thập phản hồi từ khách hàng. Điều này giúp bạn hiểu rõ hơn về nhu cầu của thị trường và điều chỉnh sản phẩm phù hợp.

Cố gắng bán cho ít nhất 5-10 khách hàng. Đưa ra mức giảm giá thật hấp dẫn để họ mua trước sản phẩm. Đừng giảm giá trọn đời cho họ, có thể áp dụng cho 1-2 năm đầu thôi.

Ví dụ, nếu bạn phát triển một ứng dụng, hãy mở một phiên bản beta để người dùng thử nghiệm và đưa ra phản hồi. Sử dụng các nền tảng gọi vốn cộng đồng như Kickstarter hoặc Indiegogo để giới thiệu sản phẩm và thu hút sự quan tâm ban đầu từ khách hàng. Điều này không chỉ giúp bạn thu thập phản hồi mà còn tạo cơ hội để thu hút vốn đầu tư sớm.

10. Tận dụng điểm mạnh cá nhân

Sau khi đã tìm được đối tác công nghệ đáng tin cậy, hãy để các khía cạnh kỹ thuật của dự án được xử lý bởi những người có chuyên môn. Còn bạn, hãy tập trung vào những gì mình giỏi nhất.

Tham gia vào các khóa học hoặc chương trình đào tạo để tiếp tục phát triển các kỹ năng cá nhân và chuyên môn. Sử dụng các công cụ như HubSpot cho marketing hoặc QuickBooks cho quản lý tài chính để tối ưu hóa công việc của bạn.

Bằng cách tận dụng tối đa điểm mạnh cá nhân, bạn sẽ tạo nên một sự cân bằng hiệu quả giữa các khía cạnh kinh doanh và kỹ thuật, củng cố sự phát triển bền vững cho startup của bạn.

11. Quản lý tài chính hiệu quả

Lập kế hoạch tài chính rõ ràng và tìm kiếm các nguồn đầu tư là yếu tố then chốt để duy trì nguồn lực cần thiết cho sự phát triển của startup. Bạn cần dự trữ tiền mặt đủ để chi tiêu tối thiểu 1 năm nếu không gọi được vốn.

Hãy chuẩn bị một bản trình bày (pitch deck) ấn tượng với các thông tin chi tiết về dự án, mô hình kinh doanh, và tiềm năng tăng trưởng. Tham gia các sự kiện khởi nghiệp, các hội thảo và các buổi gặp gỡ nhà đầu tư để tìm kiếm cơ hội đầu tư.

12. Phát triển kỹ năng quản lý sản phẩm

Đây là một kỹ năng mà một startup founder cần phải có. Kỹ năng quản lý sản phẩm giúp bạn đảm bảo rằng sản phẩm đáp ứng được nhu cầu thị trường và được phát triển theo đúng kế hoạch. Tham gia các khóa học về quản lý sản phẩm để nắm bắt kiến thức cơ bản và các chiến lược quản lý hiệu quả.

Tìm hiểu và sử dụng các công cụ quản lý và lập kế hoạch dự án như Trello, Asana hay Slack để tối ưu hóa quy trình làm việc và tăng cường hiệu suất làm việc nhóm. Các công cụ này giúp bạn theo dõi tiến độ, phân công nhiệm vụ và giao tiếp hiệu quả với đội ngũ của mình.

13. Giao tiếp hiệu quả với đội ngũ kỹ thuật

Thời gian đầu, bạn có thể gặp khó khăn khi giao tiếp với các lập trình viên, cảm thấy lạc lõng trong các cuộc họp scrum và không hiểu rõ các thuật ngữ kỹ thuật. Điều này hoàn toàn bình thường và có thể cải thiện qua thời gian.

Nắm vững kiến thức cơ bản

Bạn chỉ cần có kiến thức kỹ thuật cơ bản để có thể diễn đạt rõ ràng mong muốn của mình về sản phẩm phần mềm. Nắm bắt các khía cạnh khác nhau của quy trình phát triển, bao gồm cả phần frontend và backend, sẽ giúp bạn có cái nhìn toàn diện hơn về sản phẩm.

Điều này không chỉ giúp bạn đưa ra các yêu cầu cụ thể và chính xác hơn mà còn giúp bạn hiểu rõ các thách thức mà đội ngũ kỹ thuật phải đối mặt, từ đó tạo điều kiện cho sự hợp tác hiệu quả và giảm thiểu sai sót trong quá trình phát triển.

Cụ thể hóa yêu cầu

Thường xảy ra tình trạng nhà sáng lập không chuyên kỹ thuật mô tả yêu cầu sản phẩm mà bỏ qua phần backend. Điều này có thể dẫn đến việc đội ngũ kỹ thuật phải quay lại và sửa đổi những phần quan trọng của hệ thống, gây ra sự chậm trễ và tốn kém không cần thiết.

Ngay cả khi không phải là người thiết kế ứng dụng, bạn nên có một bản phác thảo về sản phẩm để giúp cả đội kỹ thuật và không kỹ thuật hiểu rõ mục tiêu.

Tôn trọng nhau

Tạo môi trường làm việc cởi mở, nơi mọi người cảm thấy thoải mái chia sẻ ý tưởng và thắc mắc, sẽ giúp xây dựng mối quan hệ tin cậy và đạt được mục tiêu chung của dự án.

14. Cập nhật phần mềm thường xuyên

Phần mềm không phải là sản phẩm tĩnh, nó cần được duy trì và cập nhật thường xuyên để đảm bảo hoạt động ổn định và đáp ứng nhu cầu khách hàng. Điều này bao gồm:

  1. Cập nhật thường xuyên: Thực hiện các bản cập nhật bảo mật, thêm tính năng mới, và sửa lỗi để phần mềm luôn mới mẻ và an toàn. Việc này giúp sản phẩm duy trì sự phù hợp với thị trường (product-market fit), đảm bảo rằng nó luôn đáp ứng được nhu cầu và mong đợi của người dùng.
  2. Phụ thuộc vào công nghệ của bên thứ ba: Phần mềm thường sử dụng các công nghệ và dịch vụ từ bên thứ ba như hệ điều hành, cơ sở dữ liệu, API, và các thư viện mã nguồn mở. Các công nghệ này thay đổi thường xuyên, do đó phần mềm của bạn cần phải tương thích với những thay đổi này để tránh sự cố và đảm bảo hiệu suất hoạt động tốt nhất.
  3. Bảo vệ trước các mối đe dọa an ninh: Phần mềm cần được bảo vệ khỏi các mối đe dọa từ hacker và các lỗ hổng bảo mật. Việc duy trì và cập nhật thường xuyên giúp phát hiện và khắc phục kịp thời các lỗ hổng bảo mật, đảm bảo an toàn cho dữ liệu người dùng và uy tín của sản phẩm.

15. Truyền cảm hứng

Điều cuối cùng chúng tôi muốn chia sẻ là hãy làm hết mình, và truyền cảm hứng.

Làm thế nào xây dựng một startup công nghệ triệu đô mà không phải là dân tech? Làm sao thu hút các nhân tài lập trình viên?

Hãy khiến mọi người phấn khích khi trò chuyện với bạn. Có nhiều người sẽ trở nên cực kỳ trung thành vì họ tin tưởng vào bạn và tầm nhìn của bạn. Đừng phụ lòng họ.

Hãy kiên cường và chiến đấu hết mình!

Chúc bạn thành công.

By TechApollo