17/09/2021 15:42

MVP là gì? Ví dụ từ các startup thành công

MVP là gì? Ví dụ từ các startup thành công

Được đúc rút từ kinh nghiệm của các startup thành công, khái niệm MVP ra đời đã giúp hàng nghìn startup khởi sự một cách thông minh và vững chắc hơn. Đừng tiêu tốn quá nhiều ngân sách hay chiêu mộ đội ngũ lập trình viên đông đảo cho giai đoạn ban đầu. Hãy đọc bài viết này và hướng đến việc xây dựng một sản phẩm được khách hàng yêu thích với ít chi phí nhất.

MVP (Minimum viable product) là gì?

MVP hay “sản phẩm khả dụng tối thiểu" là phiên bản đầu tiên của sản phẩm mới mà bạn cho ra mắt thị trường, với các tính năng tối thiểu nhất, để startup có thể nhanh chóng tiếp cận những khách hàng đầu tiên và nhận phản hồi nhiều nhất từ khách hàng, với ít nỗ lực nhất.

Từ đó, bạn đánh giá được nhu cầu của thị trường, dần cải tiến sản phẩm, hướng đến việc xây dựng sản phẩm hoàn chỉnh trong tương lai.

Chúng ta hãy cùng xem một ví dụ bên dưới:

Bạn giả thiết rằng có nhiều khách hàng có nhu cầu muốn di chuyển nhanh hơn. Lý tưởng nhất là bán cho họ một chiếc ôtô, thế nhưng, việc làm ra chiếc ôtô tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền của. Thay vì vậy, bạn bắt đầu với một sản phẩm khả dụng tối thiểu, đó là một chiếc ván trượt. Nó giúp khách hàng giải quyết được cơ bản vấn đề của họ: di chuyển nhanh hơn. Sau khi xác thực được rằng khách hàng thực sự có nhu cầu mua một phương tiện di chuyển, bạn tiến hành cải tiến sản phẩm liên tục, giúp khách hàng ngày càng di chuyển nhanh hơn nữa.

Xin hãy nhớ rằng: MVP bao gồm hai yếu tố “tối thiểu" “khả dụng”.

Như ví dụ bên trên, nếu bạn cung cấp một chiếc bánh xe: Bánh xe có thể lăn tròn và di chuyển được, nhưng khách hàng của bạn thì không! Không ai mua một chiếc bánh xe cả, vì nó không “khả dụng"!

Vì sao nên bắt đầu với MVP thay vì một sản phẩm hoàn chỉnh?

MVP giúp tăng khả năng thành công của dự án

Một con số đáng sợ: 42% startup thất bại vì “không có nhu cầu thị trường” (“no market need”)! Và 29% startup thất bại vì tiêu hết sạch tiền!

Chìa khoá để xây dựng được một MVP tốt là việc học hỏi (learning). Bạn có ý tưởng về một sản phẩm mới, bạn nghĩ rằng mọi người sẽ cần nó, nhưng thực tế thì sao? Việc xây dựng MVP giúp bạn có thể sớm kiểm chứng thị trường, nhận được những phản hồi thực tế từ những khách hàng tiềm năng. Bạn sẽ sớm biết được sản phẩm của mình đã đi đúng hướng chưa, cần điều chỉnh những gì, tính năng nào khách hàng không dùng, hay thậm chí là phải thay đổi mô hình kinh doanh. MVP giúp startup của bạn giảm tỷ lệ thất bại, bởi việc không ngừng học hỏi và kiểm chứng giúp bạn xây dựng nên một sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường (a product-market fit).

Một điểm quan trọng thứ hai là ít nỗ lực nhất (least effort). Với những nguồn lực cực kỳ ít ỏi, việc xây dựng số lượng tính năng lớn trong thời gian đầu khiến startup nhanh chóng kiệt quệ tài chính, thậm chí không còn ngân sách để tung sản phẩm ra thị trường. Bằng cách cho ra mắt phiên bản ít tính năng nhất có thể, với ít nguồn lực nhất, bạn đang tự bảo vệ startup của mình: Nếu chẳng may MVP không được đón nhận như bạn mong muốn, bạn vẫn còn nhiều nguồn lực để thay đổi.

Như vậy, MVP bộc lộ rất nhiều ưu điểm tuyệt vời:

  • Giảm chi phí phát triển sản phẩm ban đầu
  • Giảm thiểu rủi ro
  • Giảm khối lượng công việc phải làm
  • Hạn chế việc phải “đập đi xây lại” sản phẩm
  • Kiểm chứng thị trường nhanh chóng
  • Thu được tiền từ rất sớm.

Bên cạnh đó, MVP còn giúp bạn sớm thu hút các nhà đầu tư. Rất ít các nhà đầu tư chịu “xuống tiền” cho một ý tưởng, hoặc một bản prototype; họ cần một sản phẩm thực sự, mà MVP là phiên bản lý tưởng nhất. Đặc biệt, nếu có khách hàng (chỉ cần một vài người thôi) chịu trả tiền cho bản MVP của bạn, startup của bạn rất sớm sẽ nhận được cái gật đầu của các nhà đầu tư.

Ý nghĩa vô cùng to lớn của MVP là giúp bạn sớm chứng minh được rằng sản phẩm của bạn có người chịu dùng, và khách hàng chịu trả tiền cho sản phẩm của bạn. Bạn hãy dành mọi sự tập trung cho vấn đề này.

Phân biệt MVP, PoC và Prototype

Proof of Concept (PoC - Bằng chứng Khái niệm):

PoC là thuật ngữ được dùng để nói về việc thử nghiệm một ý tưởng hoặc một phương pháp nào đó để chứng minh rằng nó có tính khả thi và tính thực tiễn.

PoC được thực hiện ở giai đoạn sơ khai nhất trong quá trình phát triển sản phẩm. PoC thường không được đưa ra thị trường, mà chỉ sử dụng trong nội bộ với mục đích kiểm chứng xem liệu ý tưởng đó có thể hiện thực hoá với năng lực công nghệ và mô hình kinh doanh của mình hay không.

Với một số startup, có thể sử dụng PoC để tiếp cận nhà đầu tư.

Câu hỏi được trả lời thông qua POC: Liệu ý tưởng có khả thi về mặt kỹ thuật trên thực tế hay không?

Prototype (Mẫu thử):

Nếu PoC kiểm chứng một tính năng riêng biệt của sản phẩm thì Prototype được tạo ra để kiểm chứng tổng hợp toàn diện các yếu tố của một sản phẩm gồm tính năng, thiết kế và tính khả dụng. Một cách hiểu khác là PoC dùng để trả lời câu hỏi “What – Cái gì khả thi?” còn Prototype trả lời câu hỏi “How – Làm như thế nào thì khả thi?”.

Một bản Prototype sẽ cho thấy rõ từng màn hình ứng dụng của bạn chuyển sang màn hình khác như thế nào.

Prototype không được phát hành ra thị trường nhưng sẽ được thử nghiệm trong phạm vi nhỏ gồm nhóm khách hàng có sẵn hoặc nhóm khách hàng tiềm năng nhất.

Câu hỏi được trả lời thông qua Prototype: Sản phẩm trong tương lai sẽ có hình thức như thế nào, dùng ra sao?

Minimum Viable Product (MVP – Sản phẩm Khả dụng Tối thiểu):

Từ quan trọng nhất trong MVP là “viable”, có nghĩa là ‘khả dụng”. MVP là sản phẩm với những chức năng tối giản nhất để sản phẩm/ dịch vụ có thể mang lại giá trị sử dụng cho người dùng. Có thể hiểu, Prototype là một bản nháp sơ khai và vẫn còn nhiều lỗi, còn MVP là phiên bản sản phẩm tuy cơ bản nhưng đã được hoàn chỉnh, hạn chế lỗi ở mức tối thiểu.

Câu hỏi được trả lời thông qua MVP: Liệu sản phẩm có tạo ra đủ giá trị để cạnh tranh trên thị trường hay không?

PoC / Prototype / MVP: Nên chọn chiến lược nào để xây dựng giải pháp đáp ứng nhu cầu thị trường?

Bạn có thể thực hiện cả ba theo thứ tự như hình trên. Nhưng nếu bạn không đủ điều kiện về nhân lực, thời gian và ngân sách, bên dưới là những gợi ý giúp bạn chọn một chiến lược phù hợp nhất với hiện trạng của mình.

Chọn PoC khi:

  • Bạn cần kiểm tra tính khả thi về mặt công nghệ.
  • Bạn muốn tìm hiểu để chọn công nghệ phù hợp.
  • Bạn rất cần tiền đầu tư và nôn nóng muốn tiếp cận nhà đầu tư một cách nhanh nhất có thể.

Chọn Prototype khi:

  • Bạn có ít thời gian và tài chính.
  • Bạn muốn trực quan hoá sản phẩm để người dùng dễ hình dung hơn về sản phẩm.
  • Bạn có nguồn lực công nghệ rất hạn chế.
  • Bạn muốn biết sản phẩm của mình trông có hấp dẫn không.

Và chọn MVP khi:

  • Bạn muốn cho người dùng trải nghiệm sản phẩm thực tế với một số tính năng.
  • Bạn muốn cho ra mắt một phiên bản không còn lỗi (bug).
  • Bạn muốn nhận được phản hồi từ người dùng.
  • Bạn muốn tạo ra doanh thu.
  ➥ Liên hệ Tech Apollo để nhận tư vấn kỹ thuật và báo giá xây dựng MVP cho startup của bạn tại đây.

Bây giờ, mời bạn cùng tham khảo một số MVP thực tế.

5 MVP ví dụ từ các startup thành công

     1.  MVP của Facebook

Phiên bản đầu tiên mang tên thefacebook ra mắt vào tháng 1 năm 2004 trông như thế này:

Ban đầu, Facebook hoạt động như một mạng xã hội dành riêng cho sinh viên Harvard - kiểu như là một danh bạ chung. Sự phổ biến ngày càng tăng của nền tảng này đã thúc đẩy Zuckerberg mở rộng nó sang các trường đại học khác và cuối cùng là ra toàn thế giới.

     2.  MVP của Airbnb

Liệu người ta có trả tiền để được ở trong một căn nhà của một người xa lạ, thay vì thuê một phòng trong khách sạn?

Đó là băn khoăn của các nhà sáng lập Airbnb. Để kiểm chứng ý tưởng này, các nhà sáng lập đã chụp hình căn hộ của họ, tạo một trang web đơn giản và đăng quảng cáo cho thuê, nhắm đến đối tượng là những vị khách đến tham dự một hội nghị sắp diễn ra trong thị trấn của họ.


Phiên bản đầu tiên của Airbnb chỉ là một vài trang rất đơn giản, xây bằng HTML cơ bản. Nhiều năm sau, Airbnb là một trang web phức tạp với rất nhiều tích hợp và logic tuyệt vời.

Việc cho thuê chính căn hộ của họ, gặp gỡ và trò chuyện trực tiếp cùng những vị khách không quen biết giúp họ thấu hiểu được nhu cầu của khách hàng, từ đó có thể lên danh sách tất cả những tính năng cần phát triển trong tương lai.

     3.  MVP của Twitter

Tiền thân của Twitter là một nền tảng podcasting có tên là Odeo. Odeo đã mất thị phần do sự ra đời của iTunes, vì vậy công ty cần phải xoay chuyển nhanh chóng. Sau một cuộc hackathon rầm rộ, Odeo đã phát triển twttr.

Ban đầu, twttr được thiết kế cho người dùng nội bộ tại Odeo như một phương tiện trò chuyện để các nhân viên trao đổi tin nhắn. Chẳng bao lâu sau, nhân viên của họ đã phải trả những hóa đơn điện thoại khổng lồ do hoạt động của họ trên nền tảng này.

Chứng kiến tiềm năng thị trường của nó, twttr sau đó đã đổi tên thành Twitter vào năm 2006 và phát hành rộng rãi ra công chúng, ngày càng trở nên nổi tiếng.

     4.  MVP của Dropbox

Bất kỳ ai muốn lưu trữ dữ liệu đám mây an toàn chắc hẳn đã nghe nói về Dropbox. MVP của Dropbox chủ yếu tập trung vào việc thu hút sự quan tâm của người dùng trước khi tung ra sản phẩm thật.

Trong cuốn sách Khởi nghiệp tinh gọn, Eric Ries đã lấy ví dụ về cách Dropbox bắt đầu bằng một MVP. Lúc đầu, họ không thực sự quan tâm đến việc xây dựng một dịch vụ trực tuyến được biết đến với mức độ tin cậy và tính khả dụng cao.

Họ chỉ đơn giản là ghi lại một đoạn video trình diễn dài ba phút giới thiệu cách thức hoạt động của Dropbox. Họ tạo một landing page với video này và thu thập email của khách hàng tiềm năng. Thật bất ngờ, có đến 75.000 người đăng ký sử dụng Dropbox trong một ngày!

Điều này đã củng cố sự tự tin của các nhà sáng lập Dropbox và họ bắt tay vào xây dựng nên công ty Dropbox thành công vang dội như ngày nay.

     5.  MVP của Groupon

Trong những năm đầu ra mắt, Groupon chỉ là một trang blog WordPress với tên gọi “The Point”. Mặc dù đây có thể không phải là một ví dụ điển hình cho một “tech MVP startup”, nhưng nó vẫn là một MVP đáng để chúng ta tham khảo.

The Point hoàn toàn không phải là Groupon của ngày nay. Nó hoàn toàn khác biệt, nó đã thất bại khủng khiếp, nhưng cũng đã cung cấp những hiểu biết sâu sắc hơn về thị trường cho các nhà phát triển của nó.

Sau đó, họ tập trung vào việc cung cấp các giao dịch hàng ngày dưới dạng các bài đăng trên blog Wordpress. Nó bắt đầu trở nên phổ biến. Dần dà, các nhà phát triển cuối cùng đã định hình nó thành sự kết hợp giữa giao diện web và điện thoại di động, và liên tục đổi mới sản phẩm trong suốt quá trình hoạt động.

Cũng giống như những ứng dụng khác, Groupon khi vừa sinh ra không được đón nhận. Sự thành công của nó là kết quả của những thay đổi liên tục dựa trên người dùng.

Các ví dụ về cách mà các startup hàng đầu đã khởi tạo MVP đã khơi nguồn cảm hứng cho bạn chưa?

Giờ thì bạn sẽ bắt tay vào việc xây dựng MVP cho startup của chính mình.

Còn tiếp Phần 2: "Cách xây dựng MVP: Kế hoạch, công nghệ, chi phí" 

  ➥ Liên hệ Tech Apollo để nhận tư vấn kỹ thuật và báo giá xây dựng MVP cho startup của bạn tại đây.

 

By TechApollo