21/11/2020 09:23
Tiến sỹ Stanford nói về điểm yếu lớn nhất của startup Việt: 10 người tài sẽ lập 10 công ty khởi nghiệp khác nhau, không bạn nào chịu hợp tác với bạn nào!
“Nhiều người nói vui rằng 10 bạn tài năng sẽ lập 10 công ty khởi nghiệp khác nhau mà không bạn nào hợp tác với bạn nào. Nếu 10 bạn đó cùng làm một công ty, hoặc 2 - 3 công ty thôi, cơ hội thành công sẽ lớn hơn rất nhiều lần so với các bạn ra làm 10 công ty riêng lẻ”, Thức Vũ - Tiến sỹ AI Stanford vừa đầu quân vào Do Ventures - nói về hạn chế của các startup Việt.
Thức Vũ tên đầy đủ là Vũ Duy Thức, sinh năm 1982. Tốt nghiệp hạng ưu với số điểm tuyệt đối 4/4 tại ĐH Carnegie Mellon (Mỹ), lấy bằng tiến sĩ công nghệ thông tin chuyên ngành trí tuệ nhân tạo tại Đại học Stanford ở tuổi 28, anh là gương mặt đồng sáng lập của rất nhiều startup công nghệ đình đám tại Thung lũng Silicon (Mỹ) như Katango, Tappy, OhmniLabs.
Trên cương vị nhà đầu tư, Thức Vũ tham gia hỗ trợ và đầu tư thiên thần vào một vài dự án startup công nghệ ở Việt Nam và ở Mỹ như Elsa, Lixibox, Genetica...
Năm 2017, anh được Silicon Valley Business Journal, một tạp chí kinh doanh có uy tín tại Mỹ, vinh danh là một trong 40 nhân vật dưới 40 tuổi có ảnh hưởng lớn nhất tại Thung lũng Silicon.
"Nhiều người nói vui rằng 10 bạn tài năng sẽ lập 10 công ty khởi nghiệp khác nhau mà không bạn nào hợp tác với bạn nào. Nếu 10 bạn đó cùng làm một công ty, hoặc 2 - 3 công ty thôi, cơ hội thành công sẽ lớn hơn rất nhiều lần so với các bạn ra làm 10 công ty riêng lẻ", anh Thức nhìn nhận.
Chia sẻ sâu hơn với Trí thức trẻ về yếu tố con người, tân Giám đốc Đầu tư Do Ventures nhận định: "Một trong những điểm mà nhiều nhà sáng lập Việt Nam vẫn còn hạn chế là product mindset (tư duy sản phẩm) do nhiều bạn chỉ mới làm quen với hoạt động gia công phần mềm trong nhiều năm qua".
* Nhiều bình luận cho rằng giới trẻ Việt thông minh, giỏi công nghệ, nhưng những tên tuổi startup ghi dấu ấn trên trường quốc tế vẫn chưa nhiều. Anh nghĩ sao?
Những thị trường mới nổi thường sẽ trải qua nhiều giai đoạn phát triển, trong đó giai đoạn đầu tiên là tạo ra các sản phẩm giải quyết nhu cầu thiết yếu của thị trường trong nước. Những thị trường lâu năm như Mỹ hay Châu đã đi qua giai đoạn này và có thời gian đủ dài để làm ra những sản phẩm giải quyết nhu cầu của cả thế giới. Chính vì vậy những startup có tên tuổi toàn cầu thường đến từ những thị trường lớn đó.
Một trong những điểm mà nhiều nhà sáng lập Việt Nam vẫn còn hạn chế là product mindset (tư duy sản phẩm) do nhiều bạn chỉ mới làm quen với hoạt động gia công phần mềm trong nhiều năm qua. Tôi hy vọng là với sự tiếp cận những mô hình phát triển sản phẩm và xây dựng startup tiên tiến nhất trên thế giới, hạn chế này sẽ được khắc phục.
Thêm vào đó, với sự phát triển nhanh chóng của tỉ lệ người dùng Internet và smart phone trong thời gian gần đây, thị trường Việt Nam đang có những bước tiến vượt bậc trong nhiều lĩnh vực công nghệ như E-commerce hay Fintech. Vì vậy, tôi tin rằng Việt Nam sẽ sớm có thêm nhiều sản phẩm để lại dấu ấn trong khu vực và hơn nữa là trên thị trường quốc tế, bên cạnh những sản phẩm đã có tên tuổi như GotIt!, ELSA, hay Kyber Network
* Đấy là về yếu tố con người, còn về câu chuyện startup, theo anh, đâu là hạn chế lớn nhất của startup Việt?
Ở những thị trường lâu năm như Mỹ thì bất cứ startup nào cũng có thể tiếp cận dễ dàng hai thứ: kiến thức về gọi vốn và quỹ đầu tư. Vì vậy cơ hội gọi vốn của họ rất nhiều.
Tại thị trường Việt Nam còn non trẻ, một trong những điểm hạn chế là không có nhiều thông tin về gọi vốn và số lượng quỹ đầu tư còn rất khiêm tốn so với các thị trường lớn như tại Silicon Valley. Khi khả năng gọi vốn hạn chế, công ty cũng sẽ mất đi cơ hội tạo được những tăng trưởng đột phá. Đây cũng chính là một trong các lý do khiến tôi quyết định gia nhập Do Ventures, để cùng góp phần thúc đẩy sự phát triển của hệ sinh thái khởi nghiệp ở Việt Nam bằng việc tham gia đầu tư sớm vào các startup để giúp họ gọi vốn dễ dàng và phát huy tối đa tiềm năng.
* Những startup với tiêu chí nào sẽ "lọt mắt xanh" của Giám đốc đầu tư Do Ventures? Với background mạnh về công nghệ, anh có ưu tiên tiêu chí công nghệ khi lựa chọn startup đầu tư?
Cũng giống như các tiêu chí đầu tư Do Ventures đưa ra, quyết định đầu tư vào một startup sẽ dựa vào nhiều yếu tố, trong đó quan trọng nhất là yếu tố về team/con người. Ngoài ra, tôi sẽ nhìn vào các tiêu chí như tiềm năng thị trường, product market fit – sản phẩm có đáp ứng được nhu cầu thị trường hay không, mô hình kinh doanh, khả năng xây dựng sản phẩm và ứng dụng công nghệ.